3 Tháng Bảy, 2024

Phụ nữ “nông thôn mới” vượt khó làm kinh tế

Chị Phan Thị Thái Quyên (thôn Thiện Sơn) vốn là người con của vùng đất Tây nguyên; sau khi học tập và có một thời gian dài làm việc tại TP. HCM, chị quyết định về quê hương của chồng là xã Thiện Nghiệp để sinh sống lập nghiệp. Tại vùng đất Thiện Nghiệp, với kiến thức của dược sĩ, chị mở một cửa hàng thuốc tây. Không chỉ vậy, chị còn tận dụng năng khiếu từ nhỏ là đan len, thêu thùa để tạo ra các sản phẩm mặt hàng đồ handmade. Chị Quyên chia sẻ, khi về Phan Thiết sinh sống nhận thấy nơi đây có thế mạnh về du lịch nên có ý tưởng sẽ làm các mặt hàng từ len để bán cho du khách. Không chỉ hướng đến khách du lịch, chị còn nhận định mọi người hiện nay có xu hướng chuộng các sản phẩm thủ công, nên các sản phẩm được giới thiệu rộng rãi thông qua bạn bè; đồng thời cũng đưa sản phẩm lên các nền tảng mạng xã hội như FaceBook, Zalo. Các sản phẩm tạo ra đều dành cho mọi đối tượng, người lớn, trẻ em, trẻ sơ sinh… với nhiều loại sản phẩm như: hoa, nón, túi xách, móc khóa, lẵng hoa… và giá cả cũng bình dân, hợp túi tiền với nhiều người. Chị còn nhận đan len theo mẫu yêu cầu của khách hàng. Với công việc này, mỗi tháng chị có thêm thu nhập từ 3 – 4 triệu đồng.

1.jpg
Chị Phan Thị Thái Quyên bên những sản phẩm thủ công từ len.

Đến nhà của chị Nguyễn Thị Hồng Duyên (thôn Thiện Hòa), nhiều người không khỏi bất ngờ khi mảnh vườn 7,5 ha trồng giống dừa xiêm lùn xanh mát đã cho trái lại do chính tay chị trồng lên. Theo chia sẻ của chị Duyên, từ khi trồng khoảng 3 năm dừa bắt đầu cho trái lứa đầu tiên, mỗi buồng xấp xỉ trên 20 trái. Đặc trưng của dừa ở đây có vị thanh ngọt, cơm dừa mềm dẻo, được kết tinh từ điều kiện thổ nhưỡng đượm gió biển, đất cát của Bình Thuận. Sau khi thu hoạch, không chỉ bán ra chợ, chị còn cung cấp số lượng lớn cho các khu du lịch, resort; công việc này giúp chị thu về mỗi tháng trung bình 9 triệu đồng. Chị Duyên tâm sự, tuổi thơ gắn liền với hình ảnh cây dừa, những trái dừa trông nhỏ bé, nhưng lại giúp nhiều hộ gia đình ổn định kinh tế mà không phải băn khoăn lo nghĩ quá nhiều.

2(1).jpg
Chị Nguyễn Thị Hồng Duyên bên những buồng dừa xanh mát.

“Thiện Nghiệp là xã nông thôn mới nên hội viên, chị em phụ nữ của địa phương có nhiều cơ hội và điều kiện để phát triển kinh tế. Hội phụ nữ luôn quan tâm, vận động các nguồn lực để hỗ trợ chị em về nguyên liệu, con giống, cây trồng… Tổ chức nhiều lớp tập huấn nghề nghiệp phù hợp với phụ nữ như: trồng rau an toàn, chăn nuôi, học nghề trang điểm. Phong trào phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế đã lan tỏa sâu rộng trong hội viên, phụ nữ của xã. Nhiều chị em phụ nữ đã vượt khó khăn, tự tin, mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, ngày càng khẳng định vị trí của mình trong gia đình và xã hội” – bà Lê Thị Thu Hải – Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Thiện Nghiệp.

Lagi
Lagi
Lagi nằm ở phía Tây Nam tỉnh Bình Thuận, cách thành phố Phan Thiết 63 km, cách Sài Gòn khoảng 150 km về phía Tây và cách thành phố Vũng Tàu 90 km về phía Tây Nam. Lagi có 28 km chiều dài bờ biển, có 2 cửa biển lớn là cửa sông Dinh và cửa sông Phan.

Bạn nên đọc!

Bài viết liên quan